Điệu vũ bên lề
Phan_8
Sau khi vào Đại học Brown theo chương trình sau đai học, thầy Bill du lịch châu Âu một thời gian, rồi khi trở về, thầy gia nhập tổ chức Teach for America. Hết năm nay, thầy dự tính chuyển tới New York sống và viết kịch. Tôi đoán là thầy còn khá trẻ, mà tôi hỏi tuổi thì không phải phép. Tôi lấy can đảm hỏi thầy có bạn gái chưa, và thầy đáp chưa, mặt có vẻ buồn. Tôi quyết định không tọc mạch thêm, kể ra điều đó cũng riêng tư quá. Rồi thầy đưa cho tôi một quyển sách nữa để đọc, tựa là Bữa trưa trần trụi.
Về tới nhà, tôi bắt đầu đọc luôn. Nói thật với bạn, tôi chẳng biết nhân vật đang nói về cái gì. Tôi sẽ không bao giờ kể điều này với thầy Bill. Sam kể với tôi rằng William S. Burroughs viết quyển sách lúc ông dùng heroin, nên có khi tôi phải “hòa theo cơn phê” khi đọc. Tôi làm vậy mà vẫn không hiểu được nhân vật nói cái gì, thế là tôi xuống lầu xem tivi với chị.
Chương trình đang phát là Gomer Pyle, chị tôi ngồi rất lặng lẽ, trông buồn rũ. Tôi cố gợi chuyện, nhưng chị bảo tôi im mồm để chị yên. Tôi xem vài phút nữa, nhưng chương trình còn vô nghĩa hơn quyển sách nên tôi quyết định đi làm bài tập toán. Thêm một sai lầm bởi toán chẳng bao giờ có nghĩa lý gì với tôi cả.
Cả ngày tôi cứ loay hoay như thế.
Rồi tôi gắng giúp mẹ làm đồ ăn, nhưng lại đánh rơi nồi thịt hầm, thế là mẹ bảo tôi lên phòng đọc sách cho tới khi ba về, nhưng đọc sách là việc đầu tiên gây ra mớ bòng bong này. May là ba tôi về trước khi tôi kịp cầm quyển sách lên lần nữa, thế nhưng ba tôi bảo tôi đừng có “đu vai ông như khỉ” nửa, bởi ông muốn xem trận khúc côn cầu. Tôi xem trận đấu với ông một lúc, nhưng không ngừng hỏi ông cầu thủ này kia là người nước nào, mà ông thì đang “dưỡng thần”, tức là ông ngủ nhưng vẫn không muốn tôi chuyển kênh khác. Nên ông bảo tôi đi xem tivi với chị, tôi đi xem, nhưng chị bảo tôi vào bếp giúp mẹ, tôi đi giúp, nhưng rồi bà bảo tôi lên phòng đọc sách. Thế là tôi đi đọc.
Giờ tôi đọc được chừng một phần ba quyển rồi, tới đoạn này lại thấy khá hay.
Thương mến,
Charlie
Ngày 8 tháng Hai, 1992
Bạn thân mến,
Tôi có hẹn đi vũ hội Sadie Hawkins. Không biết chỗ bạn có vũ hội này không, thôi tôi cứ giải thích cho chắc: dịp này các bạn nữ sẽ chọn mời bạn nhảy nam. Mary Elizabeth chọn tôi. Tin nổi không?!
Tôi nghĩ chuyện bắt đầu hồi tôi giúp Mary Elizabeth bấm kim xấp báo Punk Rocky mới nhất hôm thứ Sáu, trước khi bọn tôi đi xem The Rocky Horror Picture Show. Hôm đó Mary Elizabeth cư xử rất dễ thương với tôi. Cô ấy bảo đợt báo đó là hay nhất từ trước đến nay vì hai lẽ, và cả hai lẽ ấy đều là nhờ tôi.
Thứ nhất, báo được in màu, và thứ hai, nó có bài thơ mà tôi đưa cho Patrick.
Số báo này đúng là hay thật. Ngay cả sau này, tôi có già đi chắc vẫn còn thấy hay. Craig đưa vào vài bức ảnh màu. Sam góp vài tin “ngầm” về mấy ban nhạc. Mary Elizabeth viết một bài về các ứng viên đảng Dân chủ. Bob thì góp một đoạn tán tụng cây gai dầu. Patrick đưa vào một mẩu quảng cáo bịa đặt rằng sẽ có tiết mục “thổi kèn” cho ai mua một bánh quy mặt cười ở quán Big Boy, còn chua thêm Chương trình có áp dụng một số hạn chế!
Rồi còn có cả một bức ảnh khỏa thân chụp Patrick (từ sau lưng), Sam nhờ Craig chụp bức ảnh này. Mary Elizabeth bảo mọi người giữ bí mật vụ bức ảnh ấy là Patrick, thế là mọi người kín như bưng, ngoại trừ Patrick.
Suốt đêm cậu ấy cứ gào lên, “Phơi hàng đi cưng! Phơi ra nào!” Đây là dòng thoại cậu ấy rất thích trong bộ phim cậu ấy cũng thích là The Producers.
Mary Elizabeth kể với tôi là cô ấy nghĩ Patrick bảo đưa bức ảnh vào tờ báo để Brad có hình cậu ấy mà không nghi ngờ, nhưng cậu ấy không nói hẳn ra. Brad quả đã mua một tờ mà không liếc qua tí nào, có lẽ cô ấy đúng.
Đêm ấy, lúc tôi đi xem The Rocky Horror Picture Show, Mary Elizabeth rất tức giận vì Craig không tới diễn. Không ai biết vì sao, kể cả Sam. Rắc rối ở chỗ thiếu người đóng vai Rocky, con robot vai u thịt bắp (Tôi không chắc gã ấy là gì nữa). Sau khi nhìn quanh quất, Mary Elizabeth quay sang tôi.
“Này Charlie, cậu xem diễn được mấy lần rồi?”
“Mười lần.”
“Cậu đóng vai Rocky được chứ?”
“Tôi đâu có tỉa tót hay lực lưỡng gì đâu.”
“Không sao hết. Cậu đóng được chứ?”
“Tôi nghĩ chắc được.”
“Cậu ‘nghĩ’ hay ‘biết chắc’ đây?”
“Tôi nghĩ thôi.”
“Vậy là đủ rồi.”
Thế là sau đó, tôi chỉ mặc độc mỗi cái quần lót và áo bơi sơn vàng rực. Chẳng biết tại sao thi thoảng những điều kỳ quặc thế này lại xảy tới với tôi. Tôi rất hồi hộp, nhất là vì trong vở kịch có cảnh, nhân vật Rocky phải chạm vào khắp người Janet, mà Sam đóng vai Janet. Patrick cứ trêu là tôi sẽ bị “lên nòng”. Tôi thực sự mong chuyện đó sẽ không xảy ra. Có lần tôi bị thế trong lớp học mà phải lên bảng giải bài. Thật là khủng khiếp. Rồi tâm trí tôi hình dung ra cảnh đó, cộng với ánh đèn rọi trực diện, cộng với chuyện tôi mặc độc bộ đồ bơi, thật kinh hãi. Suýt nữa thì tôi không lên diễn, nhưng rồi Sam bảo cô ấy thật lòng muốn tôi đóng vai Rocky, hẳn lời ấy là tất cả những gì tôi cần nghe lúc đó.
Tôi không kể chi tiết toàn bộ vở kịch được, nhưng đó là thời gian vui nhất đời tôi. Thật đấy. Tôi giả vờ hát, rồi giả vờ nhảy múa vòng quanh, rồi tôi còn được choàng “khăn lông chim” trong cảnh cuối, tôi không nề hà gì đâu bởi đó là một phần vở diễn, nhưng Patrick cứ huyên thuyên chuyện đó mãi.
“Charlie quàng khăn lông! Charlie quàng khăn lông!” Cậu ấy cười không nín được.
Nhưng hay nhất là cảnh diễn với Janet, trong đó bọn tôi phải chạm vào nhau. Tôi không coi phần đó hay nhất chỉ đơn thuần vì tôi phải chạm vào Sam và được Sam đáp lại như vậy. Thật là trái khoáy. Tôi biết nói vậy có vẻ ngớ ngẩn, nhưng đúng thế. Ngay trước cảnh diễn, tôi nghĩ về Sam, tôi nghĩ rằng nếu tôi lợi dụng sân khấu mà chạm vào cô ấy để thỏa lòng riêng thì thật là đáng khinh. Tôi những muốn một ngày nào đó được gần gũi cô ấy như thế, nhưng tôi không bao giờ muốn cảm giác đó trở nên thấp hèn. Tôi không muốn làm thế như là chuyện giữa Rocky và Janet. Tôi muốn nó xảy ra giữa Sam với tôi. Và tôi muốn cô ấy cũng thực lòng đáp lại. Vậy nên hai đứa tôi chỉ diễn thôi.
Khi vở diễn kết thúc, bọn tôi cúi chào một loạt, và tiếng vỗ tay vang rộn từ mọi góc. Patrick còn ẩy tôi lên trước những diễn viên kia để tôi có thể cúi chào riêng. Tôi nghĩ đây là cử chỉ dành cho thành viên mới của đoàn. Khi ấy tôi chỉ nghĩ thật vui biết bao khi mọi người vỗ tay khen tôi, thật vui biết bao khi không có ai trong nhà tôi đến xem tôi diễn vai Rocky, cổ quàng khăn choàng lông chim. Nhất là ba tôi.
Quả thực là tôi bị “lên nòng”, nhưng đó là khi ở bãi đậu xe của quán Big Boy.
Lúc đó Mary Elizabeth mời tôi đi dự vũ hội Sadie Hawkin, sau khi ngỏ lời khen “Cậu mặc bộ này trông thật bảnh.”
Tôi thích các cô gái. Thật ấy chứ. Bởi vì họ có thể cho rằng ta mặc mỗi bộ đồ bơi mà vẫn bảnh, trong khi ta chẳng bảnh gì cả. Có điều ngẫm lại, chuyện “lên nòng” khiến tôi thấy xấu hổ, nhưng chẳng có cách gì đừng được.
Tôi kể với chị tôi vụ được mời dự khiêu vũ, chị nghe mà lơ đãng lắm. Rồi tôi cố xin chị lời khuyên nên ứng xử ra sao với cô gái hẹn tôi, bởi tôi chưa từng hẹn hò gì cả, nhưng chị không đáp. Không phải chị đang cơn xấu tính đâu. Đơn giản là chị ngồi “nhìn vào khoảng không vô định”. Tôi hỏi thăm chị có ổn không, chị đáp muốn ở một mình, thế là tôi lên phòng đọc nốt quyển Bữa trưa trần trụi.
Đọc xong tôi nằm ườn ra giường, nhìn trần nhà, mỉm cười vì xung quanh thật yên tĩnh dễ chịu.
Thương mến,
Charlie
Ngày 9 tháng Hai, 1992
Bạn thân mến,
Tôi muốn nói thêm vài điều về chuyện kể trong bức thư vừa rồi. Tôi biết rằng Sam sẽ không bao giờ mời tôi đi vũ hội đâu. Hẳn cô ấy sẽ rủ Craig, và nếu không phải Craig thì Patrick, bởi bạn gái của Brad là Nancy sẽ đi với Brad. Mary Elizabeth là một cô gái rất thông minh và xinh xắn, thật vui vì cô ấy là người tôi hẹn hò lần đầu tiên. Nhưng sau khi tôi nói đồng ý, và Mary Elizabeth đã thông báo với nhóm bạn, tôi cứ mong Sam phải ghen. Tôi biết thế chẳng hay ho gì, nhưng quả là tôi cảm thấy vậy.
Nhưng Sam không ghen. Ngược lại cô ấy tỏ ra vui mừng hết cỡ, đến khổ cho cái thằng tôi.
Cô ấy còn chỉ tôi cách ứng xử với cô gái trong buổi hẹn hò, khá là thú vị. Cô ấy bảo với người như Mary Elizabeth, không nên khen cô ấy đẹp mà nên khen trang phục cô ấy mặc, bởi bộ trang phục là lựa chọn của cô ấy, trong khi gương mặt thì không. Sam còn dặn một số nàng thích tôi tỏ ra thật chu đáo, nào là mở cửa xe hộ, nào là mua hoa, nhưng với Mary Elizabeth (nhất là trong vũ hội Sadie Hawkin) thì tôi không nên. Vậy nên làm gì, tôi hỏi Sam, cô ấy đáp tôi nên chịu khó hỏi han nhiều và đừng tỏ vẻ sốt ruột khi Mary Elizabeth nói không ngưng nghỉ. Tôi bảo như vậy nghe có vẻ không dân chủ, Sam đáp luôn là cô ấy cũng phải làm vậy với các cậu con trai suốt đó thôi.
Sam có bảo rằng riêng chuyện gần gũi với Mary Elizabeth thì rắc rối, bởi cô nàng đã có vài bạn trai rồi, và các anh chàng đó đều từng trải hơn tôi rất nhiều. Cô ấy dặn khi không biết làm sao trong tình huống gần gũi thân mật thì tốt nhất cứ để ý cách người kia hôn mình rồi hôn lại y như vậy. Cô ấy bảo chuyện đó rất nhạy cảm tế nhị, đúng ý tôi muốn.
Tôi hỏi luôn, “Sam chỉ tôi được không?”
Cô ấy đáp, “Đừng có tưởng bở.”
Thi thoảng bọn tôi nói chuyện kiểu đó. Lúc nào cũng khiến tôi cười ngất. Sau khi Sam chỉ tôi một mánh bật hộp quẹt Zippo thật ngầu, tôi hỏi thêm về Mary Elizabeth.
“Nếu tôi không muốn gần gũi với cô ấy thì sao?”
“Chỉ cần nói là cậu chưa sẵn sàng.”
“Nói vậy có tác dụng không?”
“Thi thoảng cũng có.”
Tôi những muốn hỏi Sam những khi “thi thoảng không tác dụng” thì sao, nhưng tôi không muốn tọc mạch quá, mà tôi không muốn biết tường tận. Ước gì tôi có thể thôi yêu Sam đến thế này. Thật lòng đấy.
Thương mến,
Charlie
Ngày 15 tháng Hai, 1992
Bạn thân mến,
Không xong rồi, mọi chuyện rối beng cả. Tôi đã đến vũ hội, có khen Mary Elizabeth ăn mặc thật đẹp. Tôi có hỏi han nhiều thứ, cũng để cô ấy thoải mái nói liên hồi kỳ trận. Nhờ vậy tôi biết được nhiều thông tin về “sự thể hiện khách quan”, Người Châu Mỹ Bản Địa, và giai cấp tư sản.
Nhưng trên hết, tôi biết thêm kha khá về Mary Elizabeth.
Mary Elizabeth muốn học tiếp ở Berkeley, lấy hai bằng. Một là bằng khoa học chính trị. Bằng kia là xã hội học, với chuyên ngành phụ là nghiên cứu phụ nữ. Mary Elizabeth ghét trường trung học và muốn thử tìm hiểu về quan hệ đồng tính nữ. Tôi hỏi cô ấy thấy các cô gái vừa mắt hay sao, thế là cô ấy nhìn tôi như thằng thộn mà đáp. “Chuyện đó đâu có liên quan gì.”
Bộ phim ưa thích của Mary Elizabeth là Reds. Cuốn sách ưa thích của cô ấy là quyển tiểu sử của một phụ nữ, người này cũng là một nhân vật trong phim Reds. Tôi không nhớ được tên của người đó. Màu ưa thích của Mary Elizabeth là xanh lục. Mùa ưa thích của cô ấy là mùa xuân. Vị kem ưa thích của cô ấy là Cherry Garcia (cô ấy bảo cô ấy không ăn yogurt lạnh ít béo chỉ đơn giản vì không thích thế thôi). Món ăn ưa thích của cô ấy là pizza (nửa nấm, nửa ớt chuông). Mary Elizabeth ăn chay, và cô ấy ghét ba mẹ. Cô ấy còn thành thạo tiếng Tây Ban Nha.
Cô ấy chỉ hỏi lại tôi mỗi một điều duy nhất trong suốt buổi đi chơi, đó là tôi có muốn hôn tạm biệt cô ấy hay không. Khi tôi bảo rằng tôi chưa sẵn sàng, cô ấy đáp rằng cô ấy hiểu, nói hôm nay thật vui. Cô ấy nói tôi là anh chàng nhạy cảm nhất mà cô ấy từng gặp được, điều này thì tôi không hiểu bởi tôi chỉ làm mỗi một việc là không ngắt lời cô ấy thôi mà.
Rồi cô ấy hỏi tôi có muốn hôm nào đi chơi cùng nhau nữa không, cái này thì tôi với Sam chưa bàn tới, nên tôi bị bất ngờ. Tôi đáp rằng có, bởi không muốn làm cô ấy buồn, nhưng tôi làm sao nặn ra đủ câu hỏi cho lần đi chơi sau bây giờ? Tôi không biết phải làm sao. Nếu cứ chưa sẵn sàng hôn người kia thì liệu có thể hẹn hò bao nhiêu lần? Có lẽ tôi sẽ không bao giờ sẵn sàng đón nhận Mary Elizabeth. Tôi sẽ phải hỏi Sam chuyện này.
Nhân kể luôn, Sam cũng mời Patrick đi vũ hội hôm đó, do Craig bảo hắn quá bận bịu. Tôi đoán là hai người họ cãi nhau rất dữ chuyện đó. Rốt cuộc, Craig nói toạc ra là hắn không muốn lê xác tới một buổi nhảy nhót ngớ ngẩn của bọn trung học bởi hắn đã ra trường rồi. Rồi tới một lúc, Patrick ra bãi đậu xe để phê thuốc cùng thầy cố vấn định hướng học sinh, Mary Elizabeth đang nhờ tay chỉnh nhạc mở nhạc của vài nhóm nhạc nữ, thế là chỉ còn Sam với tôi.
“Sam vui chứ?”
Sam không đáp ngay. Có điều cô ấy trông có vẻ buồn.
“Không vui lắm. Còn cậu?”
“Tôi không biết nữa. Hôm nay là lần hẹn đầu, nên tôi không biết phải so với cái gì.”
“Đừng lo, cậu sẽ làm tốt mà.”
“Thật à?”
“Uống rượu hoa quả không?”
“Ừa.”
Rồi Sam đi lấy rượu. Cô ấy trông thật buồn, ước gì tôi có thể làm cô ấy khuây khỏa, nhưng có những lúc như thế này, ta biết mình chẳng làm được gì. Nên tôi chỉ đứng cạnh bức tường mà quan sát cuộc vui. Trong những cuộc như thế này đúng ra tôi phải nhập cuộc, hay ít ra đi làm quen người này người nọ. Mà có khi ta cứ làm quen với cùng một kiểu người khi dự những buổi khiêu vũ của trường như thế này, nếu bạn hiểu ý tôi.
Buổi khiêu vũ này có cái gì khác là chị tôi cũng dự. Chị đi cùng anh bạn trai của chị. Rồi họ nổ ra cãi vã ầm ĩ giữa một bản slow. Anh ta không thèm nhìn chị nữa, còn chị lao khỏi sàn nhảy về hướng khu vệ sinh. Tôi gắng theo, nhưng chị ấy chạy trước xa quá. Chị không trở lại nữa, và anh trai kia rốt cuộc cũng về mất.
Sau khi Mary Elizabeth thả tôi xuống xe, tôi vào nhà thì thấy chị ngồi khóc ở tầng dưới. Tiếng khóc này nghe khác hẳn, làm tôi phát sợ. Tôi hỏi thật nhỏ nhẹ.
“Chị có sao không?”
“Để chị yên, Charlie.”
“Không được. Chị bị sao?”
“Em không hiểu đâu.”
“Em sẽ cố thử xem.”
“Thôi đừng có mà làm bộ.”
“Vậy chị muốn em gọi ba mẹ dậy không?”
“Không.”
“À, có lẽ ba mẹ có thể…”
“CHARLIE! IM ĐI, ĐƯỢC KHÔNG? IM MỒM ĐI!”
Chị vỡ òa. Tôi không muốn làm chị thêm khổ, nên quay đi định để chị một mình. Nhưng chị ôm lấy tôi. Chị không nói gì cả, chỉ ôm chặt tôi không rời. Nên tôi ôm lại. Thấy là lạ, trước giờ tôi có ôm chị bao giờ đâu, chỉ trừ khi chị bị bắt ép thôi. Một lúc sau, chị dịu lại ít nhiều và buông tôi ra. Chị hít một hơi sâu, gỡ tóc bết trên mặt ra.
Chị nói, chị có thai.
Tôi định kể với bạn khúc sau cuộc nói chuyện ấy, nhưng nói thật là tôi không nhớ mấy. Vì chuyện quá đỗi bàng hoàng. Hóa ra tên bạn trai của chị bảo đứa bé không phải của hắn, nhưng chị tôi biết chắc đúng là con hắn. Hắn cắt đứt với chị ngay ở buổi vũ hội. Chị tôi chưa kể với ai hết, bởi chị không muốn tiếng xấu đồn xa. Những người duy nhất biết chuyện là tôi, chị và hắn. Tôi không được phép kể cho ai hết. Không ai hết, không bao giờ.
ST.ENT
Tôi bảo chị rằng chẳng mấy nỗi mà chị không giấu được nữa đâu, nhưng chị bảo chị sẽ không để tới nước ấy. Vì chị đã mười tám, chị không cần ba mẹ cho phép nữa. Chị chỉ cần có người cùng đến phòng khám vào thứ bảy tới. Và người đó là tôi.
“May là em có bằng lái xe rồi.”
Tôi nói vậy mong làm chị cười. Nhưng chị không cười.
Thương mến,
Charlie
Ngày 23 tháng Hai, 1992
Bạn thân mến,
Tôi ngồi trong khu chờ của phòng khám được chừng một tiếng đồng hồ rồi. Tôi không nhớ đích xác là bao lâu. Thầy Bill có đưa tôi một quyển sách mới để đọc, nhưng tôi không tài nào tập trung đọc được. Cũng phải thôi.
Tôi thử lật mấy tờ tạp chí, nhưng cũng chịu. Không phải vì chán phần nội dung cứ bàn quá nhiều tới chuyện thiên hạ ăn cái gì, mà do trang bìa. Tờ nào cũng in một khuôn mặt tươi cười, và cứ hễ ảnh bìa là phụ nữ thì trăm phần trăm là cô này đang phô khe ngực. Tôi tự hỏi những cô đó làm vậy để khoe vẻ ngoài, hay chỉ đơn thuần do công việc nó vậy. Nếu muốn thành đạt, người ta có được lựa chọn công việc hay không nhỉ? Tôi không sao gạt được ý nghĩ này ra khỏi tâm trí.
Tôi hình dung ra buổi chụp ảnh của cô diễn viên hay người mẫu, sau đó cô này đi “ăn bữa trưa nhẹ” với bạn trai. Tôi thấy anh ta hỏi thăm ngày của cô thế nào, cô đáp chẳng có gì đặc biệt, cứ vậy mà làm thôi; hoặc nếu đó là lần đầu cô lên bìa báo, cô sẽ nói đang phấn khích bởi từ giờ cô bắt đầu nổi tiếng. Rồi tờ tạp chí ấy xuất hiện trên quầy báo, bao nhiêu cặp mắt ẩn danh nhìn nó, và nó mang ý nghĩa to lớn đối với một số người. Cô gái như Mary Elizabeth hẳn sẽ nổi giận khi thấy cô diễn viên hay người mẫu phô khe ngực như tất cả đồng nghiệp của cô, trong khi những tay nhiếp ảnh như Craig chỉ quan tâm đến chất lượng của bức ảnh. Tôi nghĩ cũng sẽ có những tên đàn ông mua tạp chí về ngắm để thủ dâm. Không biết cô diễn viên hay gã bạn trai của cô nghĩ gì về chuyện đó nhỉ, giả như họ có nghĩ đến. Thôi tôi nên ngừng nghĩ ngợi lan man đi thì hơn, như thế chẳng giúp ích gì cho chị tôi cả.
Rồi tôi bắt đầu nghĩ về chị tôi.
Tôi nhớ lần chị và đám bạn sơn móng tay cho tôi, hôm ấy êm xuôi cả vì anh tôi không có nhà. Rồi những lần chị cho tôi dùng mấy con búp bê của chị để chơi đóng kịch hoặc để tôi xem bất kỳ thứ gì tôi thích trên tivi. Và rồi chị bắt đầu trở thành “cô lớn” trong nhà, rồi chị không cho phép ai nhìn chị lâu, bởi chị nghĩ là chị mập. Nhưng chị đâu có mập. Thật ra chị rất xinh. Và gương mặt chị bừng sáng khi thấy các chàng cũng cho rằng chị đẹp. Tôi nhớ vẻ mặt lúc chị nhận ra chị đã yêu gã trai nọ. Không biết vẻ mặt ấy sẽ thế nào khi chị bước ra từ những cánh cửa kia.
Chính trị là người giải thích với tôi em bé từ đâu ra. Rồi chị bật cười khi tôi lập tức hỏi là em bé sinh ra xong đi đâu.
Nghĩ tới đó, tôi bắt đầu khóc. Nhưng tôi không được cho ai thấy bởi nếu người ta mà thấy, có thể họ sẽ không cho tôi đưa chị về nhà, và nhiều khả năng họ sẽ gọi ba mẹ. Tôi không thể để điều đó xảy ra, bởi chị đang trông cậy vào tôi. Đây là lần đầu tiên có người trông cậy ở tôi một chuyện gì đó. Khi tôi nhận ra rằng đây là lần đầu tiên tôi khóc kể từ khi tôi hứa với dì Helen là sẽ không khóc nữa trừ khi gặp chuyện quan trọng, tôi phải bỏ ra ngoài bởi tôi không còn giấu được ai nữa hết.
Chắc tôi ngồi trong xe lâu lắm, vì rốt cuộc chị ra tận đó tìm tôi. Khi đó tôi đang hút hết điếu này tới điếu khác, và vẫn còn khóc. Chị tôi gõ lên cửa kính. Tôi quay kính xuống. Chị nhìn tôi, ánh mắt tò mò khó tả. Rồi vẻ tò mò ấy biến thành cơn giận.
“Charlie, em hút thuốc sao?!”
Chị giận quá chừng. Tôi không tả nổi cho bạn hình dung chị giận tới mức nào đâu.
“Chị không tin nổi là em hút thuốc!”
Tôi ngưng khóc. Rồi bật cười to. Bởi chị vừa mới ra khỏi chỗ đó mà lại chọn đúng chuyện tôi hút thuốc để “khai hỏa”. Chị còn tỏ ra tức giận vì chuyện đó nữa. Tôi biết chị mà nổi nóng thật thì vẻ mặt sẽ không khác đến vậy. Tôi biết rằng như thế là chị sẽ ổn thôi.
“Chị sẽ mách ba mẹ cho xem, nghe chưa?”
“Không, chị không mách đâu.” Ôi trời, tôi không cách gì nín cười được.
Chị tôi nghĩ nghĩ vài giây, rồi có vẻ hiểu ra tại sao chị sẽ không mách mẹ hay ba. Giống như đột nhiên chị nhớ ra hai chị em đang ở đâu, làm gì, và hai chị em nói chuyện này thật là khùng. Thế là chị cũng phá ra cười.
Nhưng chị cười thì lại đau, thế là tôi xuống xe đỡ chị vào ghế sau. Tôi đã xếp sẵn những gối cùng chăn cho chị, vì hai chị em nghĩ tốt nhất là chị nên ngủ dưỡng sức cho đỡ trong xe rồi hẵng về nhà.
Trước khi ngủ, chị còn dặn, “À em có hút thuốc thì mở cửa kính ra chút.”
Câu này lại chọc cho tôi cười ngất.
“Charlie mà hút thuốc. Không tin nổi.”
Tôi lại càng cười to hơn, rồi nói “Em thương chị.”
Chị tôi đáp “Chị cũng thương em. Mà thôi đừng cười nữa.”
Tiếng cười của tôi dần biến thành tiếng cười thầm, và rồi nín hẳn. Tôi nhìn đằng sau thì thấy chị tôi đã ngủ. Thế là tôi khởi động máy, mở bộ sưởi cho chị được ấm rồi bắt đầu đọc quyển sách thầy Bill đưa. Đó là cuốn Walden của Henry David Thoreau, quyển sách ưa thích của bạn gái anh tôi, nên tôi rất hào hứng được đọc nó.
Khi mặt trời lặn xuống, tôi đặt tờ rơi vận động bỏ thuốc làm dấu trang sách đọc dở rồi bắt đầu lái xe về nhà. Tôi ngừng cách nhà vài dãy nhà để gọi chị tôi dậy và cất chăn gối vào cốp xe. Xe rẽ vào lối vào nhà. Hai chị em xuống xe, đi vào. Rồi hai chị em nghe giọng nói của ba và mẹ vọng xuống từ trên đầu cầu thang.
“Hai đứa đi đâu cả ngày nay?”
“Đi đâu dữ vậy. Bữa tối gần xong rồi kìa.”
Chị tôi nhìn tôi. Tôi nhìn chị. Chị nhún vai. Thế nên tôi bắt đầu liến thoắng không ngừng, kể chuyện hai đứa đi xem phim thế nào, rồi chị tôi dạy tôi lái xe trên quốc lộ thế nào, rồi hai đứa đi ăn ở McDonald’s thế nào.
“McDonald’s hử?! Hồi nào?!”
“Mẹ các con làm món sườn nướng đó, biết không?” Ba tôi đang đọc báo.
Trong khi tôi nói, chị tôi lại chỗ ba, đặt một cái hôn lên má ông. Ba không rời mắt khỏi tờ báo.
“Con biết, nhưng tụi con đi ăn ở McDonald’s rồi mới xem phim mà. Tới giờ cũng lâu rồi.”
Sau đó, ba tôi hỏi, giọng vờ bình thản, “Hai đứa xem phim gì?”
Tôi chết trân, nhưng chị tôi phăng ra được một cái tựa phim ngay trước khi chị hôn lên má mẹ. Tôi chưa từng nghe nói tới bộ phim nọ.
“Có hay không?”
Tôi lại chết trân.
Chị tôi khá bình tĩnh. “Cũng được ạ. Món sườn thơm quá.”
“Đúng là thơm ạ,” tôi nói. Rồi tôi cố nặn ra cái gì đó để đổi chủ đề. “Ba ơi, tối nay có trận khúc côn cầu phải không?”
“Phải, nhưng nếu con muốn xem cùng thì không được hỏi mấy câu vớ vẩn nữa đó.”
“Được ạ, nhưng giờ trận đấu còn chưa bắt đầu con hỏi một câu nhé?”
“Ba không biết. Con hỏi thế nào nhỉ?”
“Ba cho con hỏi được không ạ?” Tôi lặp lại, lấy giọng lễ phép.
Ba làu bàu, “Ừ thì hỏi đi.”
“Các đấu thủ gọi cái vật mà họ dùng gậy để đánh là gì ạ?”
“Là bánh quy. Họ gọi cái đó là bánh quy.”
“Hay quá. Cảm ơn ạ.”
Từ lúc đó đến hết bữa ăn, ba mẹ không hỏi hai đứa thêm câu nào về ngày hôm nay nữa, mẹ tôi bảo rất vui vì thấy chị tôi và tôi chơi với nhau nhiều hơn.
Đêm đó, sau khi ba mẹ tôi đã đi ngủ hết, tôi xuống chỗ để xe lấy gối chăn ra khỏi cốp sau. Tôi mang lên phòng cho chị tôi. Chị mệt đến héo queo. Tiếng chị nói lạc hẳn đi. Chị cảm ơn tôi đã giúp chị suốt cả ngày. Chị nói tôi không làm chị thất vọng. Chị còn nói mong tôi giữ kín bí mật này, bởi vì chị quyết định kể với gã bạn trai cũ rằng chuyện có thai chỉ là báo động giả. Tôi đoán là chị không còn đủ tin tưởng để mà cho hắn biết sự thật nữa.
Ngay khi tôi tắt đèn và mở cửa đi ra, tôi nghe chị nói thật khẽ.
“Chị muốn em bỏ hút thuốc, nghe không?”
“Em nghe rồi.”
“Bởi vì chị thương em thật đó, Charlie à.”
“Em cũng nói thật.”
“Chị cũng vậy.”
“Vậy chị ngủ ngon nhé.”
“Ngủ ngon.”
Rồi tôi đóng cửa lại, để cho chị ngủ.
Đêm ấy tôi không có hứng đọc sách, nên xuống lầu và xem một đoạn quảng cáo dài những nửa tiếng về một cái máy tập thể dục. Màn hình cứ nhấp nháy một số điện thoại có đầu số miễn phí 1800, thế là tôi gọi. Người phụ nữ tên là Michelle ở đầu dây bên kia nhấc máy. Tôi bảo với cô Michelle rằng tôi chỉ là một thằng nhóc và không cần máy tập thể dục, có điều tôi hi vọng là cô ấy đang có một đêm bình an.
Cô Michelle cúp máy. Mà tôi không thấy khó chịu gì hết.
Thương mến,
Charlie
Ngày 7 tháng Ba, 1992
Bạn thân mến,
Con gái thật kỳ lạ, tôi không có ý xúc phạm. Nhưng tôi không biết nói làm sao nữa.
Tới giờ tôi đã hẹn hò với Mary Elizabeth được thêm một lần nữa. Ngẫm đi ngẫm lại, lần sau cũng giống giống lần đầu ở buổi dạ vũ, ngoại trừ bọn tôi mặc quần áo thoải mái hơn. Lần này lại là cô ấy mời tôi đi chơi, thế cũng không sao, nhưng tôi nghĩ thi thoảng tôi sẽ bắt đầu chủ động hẹn, bởi tôi không thể lúc nào cũng mong chờ người ta mời. Ngoài ra, nếu tôi chủ động hẹn thì tôi sẽ phải chắc chắn chuyện đi chơi với cô gái mà tôi chọn nếu cô ấy đồng ý. Thật là phức tạp quá.
Có tin tốt là lần này tôi được làm tài xế. Tôi hỏi mượn ba chiếc xe của ông. Chuyện diễn ra lúc nhà ăn tối.
“Để làm gì?” Ba tôi có vẻ lo lắng cho cái xe.
“Charlie có bạn gái rồi,” chị nói.
“Người đó không phải bạn gái con,” tôi phản đối.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian